024.6657.6688

logo
Tăng cường năng lực quản lý dự án đầu tư công để phát triển thành phố có khả năng chống chịu

 

 

Tăng cường năng lực quản lý các dự án đầu tư công là một trong các giải pháp hữu hiệu để phát triển các đô thị có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đối với lĩnh vực này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của đô thị Lyon, Pháp.

Đô thị hóa dựa trên đàm phán

Hiện nay, Chính phủ Pháp đã phát triển được các công cụ quy hoạch để đảm bảo phát triển thống nhất giữa các dự án quy hoạch lớn và đầu tư vốn cho các dự án hạ tầng cơ sở công cộng trên đất công và đất tư nhân. Trong đó, các công ty quy hoạch địa phương sẽ là những đơn vị triển khai thực hiện các dự án quy hoạch và hỗ trợ thực hiện các chính sách công.

Quy hoạch đô thị địa phương tại Pháp có tính mềm dẻo và có thể điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với các dự án có sự tham gia của các đơn vị Nhà nước và tư nhân, từ đó thực hiện chính sách đô thị hóa dựa trên đàm phán. Các nhà đầu tư cần phải đối thoại với Hội đồng thành phố về các dự án bất động sản trước khi nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng.

Ban kỹ thuật của thành phố sẽ có sự tham gia của các chủ thể Nhà nước và tư nhân như chính quyền địa phương, cơ quan quy hoạch, nhà đầu tư, kiến trúc sư… để đối thoại, đàm phán và thiết kế nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn cho các dự án. Đặc biệt, quá trình làm việc thống nhất với người dân và người sử dụng ở mọi khâu của dự án là một bước rất cần thiết để đảm bảo tính đa dạng cũng như sự chấp thuận của người dân đối với dự án. Đây là một sự đối thoại thực sự giữa các bên để hiểu rõ các quy định và các yêu cầu kỹ thuật, từ đó xác định được các nguồn lực cần thiết để thực hiện các dự án.

Cách làm mới này sẽ dung hòa các yêu cầu về phát triển kinh tế, chuyển đổi sinh thái và cả tính đoàn kết. Trước đây, thành phố Lyon đã tập trung nhiều vào mục tiêu phát triển kinh tế nhưng nay đã chuyển đổi hài hòa hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Để hoàn thành mục tiêu này, chính quyền thành phố Lyon đã thực hiện một số giải pháp như đảm bảo tiếp cận nhà ở cho mọi người; tái tạo và phục hồi tái sử dụng thay vì mở rộng đô thị xâm lấn vào các không gian thiên nhiên và không gian nông nghiệp; phủ xanh không gian công cộng, dành diện tích lớn hơn cho người đi bộ và đi xe đạp, giảm đi lại bằng xe hơi, tiến đến mục tiêu giao thông phi carbon…

Hạ tầng thiết bị và không gian công cộng sẽ được quy hoạch để đồng hành cùng sự phát triển của đô thị với sự tham gia đầu tư vốn một phần từ khu vực tư nhân. Các dự án này sẽ được thực hiện bởi các đơn vị đặc thù.

Chính quyền địa phương điều hành và kiểm soát

Chia sẻ về dự án Confluence 2 phát triển vùng trung tâm của khu đô thị lõi thành phố Lyon, bà Cécile Féré, Quản lý của dự án cho biết, chính quyền sẽ đưa ra một kế hoạch tổng thể, trong đó có những dự án nhỏ để dần dần phát triển lãnh thổ của Lyon theo hướng đô thị hóa. Trong đó, các nguyên tắc nền tảng của dự án là gắn với dòng sông, làm nổi bật giá trị cảnh quan của vùng dự án; tạo ra một hệ thống công viên lan tỏa và một vành đai xanh; phát triển giao thông công cộng; kết nối với các khu vực khác đã quy hoạch; tăng mạng lưới kết nối với thành phố; cải tạo đường cao tốc thành đại lộ đô thị

Các dự án sẽ được thực hiện bởi một công ty quy hoạch địa phương là một đơn vị thuộc Nhà nước. Công ty này có 2 nhiệm vụ chính. Một là đối thoại với tất cả các bên để lựa chọn nhà thầu, có sự theo dõi và đánh giá chặt chẽ để xem dự án có đáp ứng các nguyên tắc của quy hoạch tổng thể hay không. Hai là quản lý dự án đầu tư công và dự án bất động sản tuân theo quy hoạch chung.

Hội đồng quản trị có 11 thành viên do chính địa phương điều hành và kiểm soát. Hàng năm, công ty sẽ phải nộp báo cáo để chính quyền địa phương nắm được tiến độ dự án như lịch trình với các mốc dự án cụ thể, tình hình tài chính, các nghĩa vụ cần đảm bảo, kết quả và sản phẩm dự án cho từng kỳ cũng như khi kết thúc dự án.

Dựa theo chương trình đô thị hóa của khu vực, chính quyền và công ty quy hoạch địa phương sẽ chỉ định một kiến trúc sư trưởng. Trong quá trình thực hiện dự án sẽ tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến của các bên để thực hiện những công việc cụ thể. Từ đó, chính quyền và công ty quy hoạch sẽ thống nhất về một chương trình xây dựng tổng thể và một chương trình đầu tư hạ tầng công cộng cần triển khai.

Đặc biệt, mỗi dự án đều có chi phí môi trường nên các bên cũng phải tính toán để giảm độ cao xây dựng của khu vực này. Độ cao quy định là khoảng 50m. Ngoài ra, các công ty đấu thầu cũng phải đưa ra những cam kết về giảm phát thải khí carbon, phủ xanh các không gian công cộng và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Phó Chủ tịch phụ trách quy hoạch đô thị và cảnh quan chung vùng đô thị Lyon, bà Beatrice Vessiller cho biết: "Chúng tôi sẽ tính toán sao cho mỗi tòa nhà xây lên đều phải tham gia vào quá trình chuyển đổi sinh thái. Các tòa nhà cao tầng sẽ có tác động tới môi trường và chi phí đầu tư lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng và chi phí vận hành cao. Do vậy, dự án Confluence sẽ ưu tiên xây dựng các tòa nhà với độ cao cân bằng".

Bên cạnh đó, chính quyền đô thị tại Pháp sẽ phải tính toán các khoản thuế đất và mức độ khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở của người dân, từ đó quy định giá bán nhà cho chủ đầu tư không được vượt quá mức trần 25% đối với nhà ở thường. Giá bán nhà ở xã hội cũng được quy định cụ thể, không được vượt quá mức trần do Nhà nước quy định.

Theo: Báo Xây dựng

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận